Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

TẤM BẢN ĐỒ VẼ SAI

 TẤM  BẢN  ĐỒ  VẼ  SAI

(Bản đồ chỉ đường của bài thơ nên vẽ rõ ràng)




Chọn lô đất tốt xây được ngôi nhà mới

tôi mở tiệc mừng tân gia

“Đến chơi! Hay lắm!”

thư tôi viết

mời bằng hữu gần xa



Ngay giữa trang thư một bản đồ

dọc ngang tự tay tôi vẽ

và lời chỉ dẫn cặn kẽ

đường đi nước bước đến cuộc vui



Giờ hẹn đến rồi

chưa thấy bóng khách mời nào xuất hiện

đồ ăn nguội lạnh

bàn tiệc vẫn vắng tanh



Vài ngày sau

nhận được mấy thư trả lời

trong thư chỉ vỏn vẹn:

“Xin lỗi!

Không tìm thấy nhà.”







Bài thơ là tấm bản đồ bằng chữ chỉ đường, từng bước, từng bước đưa dẫn người đọc đến cánh cửa trái tim đang mở rộng của tác giả. Những lời chỉ dẫn này phải rõ ràng, dễ hiểu, vì nếu rắc rối hoặc mơ hồ, dễ gây hiểu lầm, sẽ khiến người đọc đi lạc đường.



Nếu thi sĩ không nắm vững kỹ thuật thơ ca, không có ý tứ mới lạ, hoặc lúc không có hứng cũng cố gượng gạo mà viết, thì sẽ được một bài thơ… dở, không có hồn. Nhưng nếu chức năng truyền thông của bài thơ thất bại thì tất cả câu chữ, hình ảnh, âm thanh, biện pháp tu từ … đều đổ xuống sông, xuống biển hết. Nó sẽ trở thành một câu đố bí hiểm mà chỉ chính người tạo ra nó mới có câu trả lời. Ai xui xẻo đọc phải bài thơ này thì cứ như đi vào rừng rậm trong đêm tối, chẳng biết mình đang ở chỗ nào và sẽ đi về đâu.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét