Thứ Hai, 19 tháng 2, 2024

MƯỜI BÀI THƠ

 

           MƯỜI BÀI THƠ

 

1/ Hoa Dại

2/ Thi Sĩ Và Người Tình

3/ Bản Tình Ca Hai Con Suối Nhỏ

4/ Vì Thế Tôi Ra Đi 2

5/ Bài Thơ Không Tựa

6/ Tập Vẽ

7/ Bờ Vẫn Quá Xa

8/ Một Chút Tâm Tình

9/ Yêu Thơ Nên Phải Hết Lòng Với Thơ

10/ Bệnh Nan Y

 

 

Bài 1:

 

               HOA DẠI

 

 

(Tâm sự một nhà thơ)

 

Tôi là loài hoa dại

mọc bên đường

tỏa sắc hương

dịu lòng những ông bố trên đường đến xưởng

những bà mẹ đi thăm ruộng trở về

 

Tôi thêm nét vui tươi cho cô gái quê

xách làn đi chợ

Các cô cậu học trò

mặt mày hớn hở

cười với tôi mỗi buổi đến trường

 

Tôi đứng đây

mở lòng đón gió bốn phương

để thêm sắc thêm hương

cho người đời thêm đẹp dạ

 

Bạn đừng tưởng đời tôi êm ả

như mặt nước hồ

tôi đã bao phen nghiêng ngả

trước những trận gió to

 

Có lúc thân tôi xác xơ

tả tơi từng cánh

lá rụng phấn bay

lịm dần trong đêm lạnh

nhưng nghĩ đến ngày mai

tôi gượng dậy mỉm cười

 

Tuy nhiên

nếu lúc này bạn ngỏ ý mời tôi

đến một ngôi nhà sang trọng

dành cho tôi chỗ ngồi ấm cúng

có kẻ chăm lo trẩy lá tỉa cành

tôi vẫn lắc đầu

nhìn dưới chân mình

mảnh đất nhỏ tôi vô cùng yêu mến

 

Tôi sống

không phải để riêng ai âu yếm

sắc hương này tôi muốn sẻ chia

cho tất cả mọi người

từ em bé ngây thơ

đến các cụ già trăm tuổi

 

Và nếu nơi đây

nước dâng bão nổi

tấm thân này tan nát cuốn muôn nơi

tôi vẫn vui

bởi phấn nhụy của tôi

sẽ mọc lên                                                     

trăm ngàn cây hoa mới

 

 

Bài 2:

 

 

     THI SĨ VÀ NGƯỜI TÌNH

 

Buổi sáng trời se lạnh

anh dậy sớm

ngồi viết vội mấy vần thơ

vừa chợt hiện ra

sau một đêm dài ngon giấc

 

Bỗng thấy hương thơm ngào ngạt

em vẫn trong áo ngủ

đem đến cho anh tách cà phê

ngun ngút nóng

 

Hai đứa vai tựa má kề

cà phê chưa uống

đã nghe lòng rất ấm

 

Em choàng tay ôm vai anh

giọng nũng nịu

mắt mơ màng

“Anh đang làm thơ về đất nước, quê hương

hay công cha, nghĩa mẹ?

Về những năm tháng ngục tù

hay tình yêu đôi lứa?”

 

“Em ơi!

Dù có viết về đề tài gì đi nữa

thơ anh ít nhiều

cũng thấp thoáng bóng hình em.” 

 

 Phạm Đức Nhì

 

 

Bài 3:

              

 

             BẢN TÌNH CA HAI CON SUỐI NHỎ

 

Gởi đến các bạn một bài thơ tình. Chữ Love (tình yêu, tình thương) ở đây xin được hiểu với nghĩa rộng nhất của nó.

 

Xin tặng bài thơ cho những người phụ nữ đã cùng tôi hát chung một bản tình ca lúc còn son trẻ.

 

Bài thơ cũng xin được tặng cho những người bạn mà trái tim đã hóa thân thành con suối nhỏ để cùng với con suối của lòng tôi hợp lại thành Dòng Sông Yêu Thương.

 

 

Lắm lúc muốn làm thơ

về mối tình hai đứa

(mối tình nào chẳng nên thơ em nhỉ?)

nhưng sao anh vẫn cứ ngại ngùng

 

Có một khúc sông

nơi gặp nhau của hai con suối nhỏ

có người nghe được

trong làn nước tưởng như im lìm đó

tiếng đôi ta to nhỏ tự tình

 

Em ơi! Làn nước trong xanh

từ hai con suối chúng mình đổ lại

sẽ trăm năm chảy mãi

góp cho đời

muôn khúc nhạc du dương

 

Ôi tuyệt vời

những tiếng nhạc yêu thương

 

Phạm Đức Nhì

 

 

Bài 4:

 

 

VÌ THẾ TÔI RA ĐI 2

 

(Người tù cải tạo trở về)

 

Chạm tay vào phin cà phê

con đã léo nhéo

“Bố uống ít thôi

còn để tiền mua gạo!”

 

Cho tay vào túi áo

định moi điếu thuốc lá

vợ đã cằn nhằn

“Ông hút vừa chứ

còn để tiền mua cái ăn!”

 

Trước khi vào mâm cơm

vợ bấm vai thì thầm

“Mình ăn rau luộc chấm mắm

có tí bạc nhạc bò kho mặn

nhường cho con

kẻo nó còi xương.”

 

Tối lên giường

sờ l. vợ mum múp

vừa dợm kéo quần vợ hất tay ra

“Để tôi ngủ lấy sức

mai còn đi thủy lợi.”

 

Ôi! Quê hương khốn nạn của tôi!

Vì nồi gạo

phải nhịn cà phê

vì tí thức ăn

nhịn thêm thuốc lá

sợ con còi xương

lại đành nhịn thịt

 

Những nỗi khổ nhục

thôi thì còn cố cắn răng chịu đựng

nhưng đến l. vợ cũng phải nhịn thèm thì quá lắm

 

Và thế là bất kể tội tù sống chết

tôi dẫn vợ con vượt biên.

 

Phạm Đức Nhì

 

 

Bài 5:

 

                      BÀI THƠ KHÔNG TỰA

 

Bài thơ viết cuối năm 1996, có tựa đàng hoàng (LÁ CỜ CHÍNH NGHĨA), nhưng vì lúc ấy mới tập tành computer nên khi copy rồi paste vào mail, cái tựa không hiểu sao biến mất.

 

Mấy người bạn FW bài thơ đi khắp nơi và được nhiều người ưa thích. Nhận thấy khi đọc đến cuối bài ai cũng có thể đặt tựa cho bài thơ rất chính xác nên hôm nay, kỷ niệm bài thơ được 19 tuổi, xin gởi bài thơ (cũng vẫn không có tựa) đến bạn đọc để cùng sống lại một giai đoạn lịch sử "không thể nào quên" của dân tộc.

 

12/2015

Phạm Đức Nhì

         

 

Tự do như muối

hạnh phúc như đường

khi còn đang ăn đủ miếng ngọt miếng ngon

khó thấy được giá trị của hạt đường hạt muối

 

Tôi sống ở miền nam

nhìn dòng đời trôi nổi

nở lại tàn bao nhiêu mùa hoa

hai nền Cộng Hòa

một cuộc chiến tranh dài đẫm máu

 

Tôi đã dốc lòng chiến đấu

bảo vệ tự do

dưới lá cờ

nền vàng ba sọc đỏ

 

Tiếc thay trong đội ngũ

chúng tôi có hơi ít những Ngô Quang Trưởng , Nguyễn Khoa Nam

mà lại khá nhiều Nguyễn Vĩnh Nghi, Nguyễn Văn Toàn

nên lính mất niềm tin

dân chán nản

những kẻ có lòng

lắc đầu ngao ngán

 

Rồi nước Mỹ đồng minh

xưa là bạn

nay trở mặt lọc lừa

quên lời hứa năm xưa

bỏ mặc “tiền đồn của thế giới tự do”

thất thủ

 

Kẻ thù đưa tôi lưu đày biệt xứ

rồi khua chiêng gióng trống ăn mừng

 

Đám trí thức, sinh viên, học sinh

xưa trốn vô bưng

mơ một thiên đường trên trái đất

nay ngồi trên khán đài nghếch mặt

“Thiên đường đang ở trong tầm tay”

 

Má Hai

xưa đào hầm nuôi cán bộ

nay hớn hở

“Tụi nó dzià mình chắc có tương lai”

 

Bà Tám

con chết trận Đồng Xoài

hí hửng lãnh bằng

Gia Đình Liệt Sĩ

 

Những nhà soạn nhạc, nhà văn, nhà thơ,

xưa chống “cuộc chiến tranh phi lý”

(đâm sau lưng người lính Cộng Hòa)

nay chìa bút ra

xin viết bài ngợi ca chế độ mới

 

Đám thanh niên xưa trốn chui trốn nhủi

ở hậu phương

xanh mặt khi nghe nhắc tới chiến trường

nay tự nhận đã yêu thầm cách mạng

từ lúc trời còn chưa sáng

 

Những người dân bình thường

xưa gặp lính khi ghét khi thương

lúc buồn ngồi chửi đổng

“Tao chửi cả thằng Tổng Thống

xá gì lính tráng tụi bay”

nay cũng ngập ngừng vỗ tay

nhưng mắt nhìn quanh lấm lét

họ chưa có câu trả lời dứt khoát

muốn đợi một thời gian

 

Sau vài năm

cuộc hôn nhân qua tuần trăng mật

đã đầy nước mắt

và những tiếng nấc nghẹn ngào

 

Đám trí thức vô bưng năm nào

tức giận thấy mình bị bội phản

buông lời phản kháng

kẻ vô khám Chí Hòa

người bị quản thúc tại gia

đuổi gà cho vợ

thiên đường ước mơ sụp đổ

 

Má Hai

đã quen dần với bo bo, với sắn, với khoai

như người dân miền bắc

những cán bộ xưa má nuôi trong hầm bí mật

đã ra lệnh bắt má mấy lần

má làm không đủ ăn

lấy lúa đâu đóng thuế

 

Bà Tám

ôm tấm bằng Gia Đình Liệt Sĩ

bụng đói meo

làng trên xóm dưới ai cũng nghèo

tình người hiếm hơn hồi đó

bà ra mộ con ngồi nhổ cỏ

khóc thầm

 

Những văn nhân

một thời phản chiến

biện minh “ngộ biến tòng quyền”

cố o ép trái tim

“cho giống môn đồ của Lê-Nin, Kác-Mác”

 

Nhưng với văn thơ, với nhạc

quen phóng túng tự do sao chịu nổi gông xiềng

lại tiếc những ngày trời rộng thênh thang

múa bút

 

Đám thanh niên hèn, khoác lác

tưởng được chế độ mới tin dùng

bị đi lao động quốc phòng

thanh niên xung phong

làm việc không công nơi rừng sâu nước độc

cháy da, vàng mắt, đói lòng

 

Những người dân

xưa chửi vung chửi vít

nay im thin thít

chẳng dám hé môi

một số kẻ lỡ lời

bị đi “tù không án“

 

Khi cán bộ xưng tụng bác Hồ

ca ngợi Đảng

họ cao giọng hoan hô

vỗ tay thật to

nhưng bụng thầm ao ước

được sống lại những ngày xưa cũ

 

Sau ba mươi tháng tư

đớn đau tủi hổ

là gia đình người lính Cộng Hòa

kể bị cướp nhà

người bị cướp đất

con bị đuổi học

vợ mất sở làm

chồng đi tù biệt tăm

đi họp cán bộ mỉa mai nhiếc móc

ra đường bị lườm dọc nguýt ngang

 

Đến khi ruộng vô tập đoàn

gạo vải sữa đường bán theo tiêu chuẩn

nhà máy công ty hãng xưởng

trở thành quốc doanh

công an khu vực đầy quyền hành

thực thi chính sách nhân hộ khẩu

người dân chịu đời không thấu

mà chẳng dám than vãn kêu ca

 

Bấy giờ gia đình người lính Cộng Hòa

mới nhận được những tia nhìn thiện cảm

nghĩ đến con, đến chồng, đến cha

trong nhà tù cộng sản

họ hãnh diện ngẩng đầu

 

Hôm nay giữa trời cao

được thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ

phất phới bay trong gió

tôi muốn khóc thật to

tôi muốn hét lên

“Đây hạnh phúc! Đây tự do!”

mà thuở nào tôi đã buông tay đánh mất

để phải chôn tháng năm tươi đẹp nhất

của cuộc đời

trong các trại tù rải rác khắp nơi

trên đất nước

 

Họ hàng tôi, đồng bào tôi

những ai không đi được

mấy chục năm trường

gánh chịu đau thương

uất hận tủi hờn nhìn quê hương tan nát

 

Mẹ Việt Nam ơi! Những đứa con lưu lạc

đã nhận rõ lỗi lầm

đang đấu tranh âm thầm

cho một ngày quang phục

 

Sẽ còn nhiều khó nhọc

để dành lại giang san

từ tay bọn cộng sản tham tàn

 

Nhưng kìa! Phất phới bay trong gió

vẫn như ngày nào

lá cờ vàng ba sọc đỏ

mà sao hôm nay chính nghĩa sáng ngời

chẳng cần một lời

luận bàn lý giải

 

Tôi đứng lặng nhìn, lòng khoan khoái

lá cờ vẫn còn đây

thì quê hương ơi! Sẽ có một ngày!

 

Viết tại San Leon sau khi dự lễ dựng kỳ đài tại Houston 1996

 

 

Bài 6:

 

 

     TẬP VẼ

 

Thuở bé

thầy giáo thường khen em

có hoa tay, vẽ nhanh, vẽ đẹp

chỉ vài nét

là có hình người, muông thú, cỏ hoa

 

Thế mà mấy năm qua

em luôn bị điểm 2 môn vẽ

chăm chỉ, miệt mài tính em vẫn thế

chứ có đâu biếng nhác, ươn hèn

 

Nhớ hôm vẽ cờ búa liềm

em đã ngắm kỹ

từng đường cong, nét thẳng

em cũng ướm thử

từng đoạn dài, đoạn ngắn

nhưng đến hết giờ

em vẽ cũng vẫn …sai

 

Đưa lưng cho thầy quất mấy roi

em ngỡ liềm cứa thịt da em rách

thước kẻ thầy đánh vào tay

em tưởng búa đập xương em dập nát

 

Một hôm khác

lớp em vẽ hình Lê-Nin

em hết nhìn thẳng lại nhìn nghiêng

để ý từ chòm râu, sóng mũi

 

Nhưng lạ chưa!

Lê-Nin của em vào cuối buổi

trông cứ như đang múa vuốt, nhe nanh

xem bài em thầy giáo giật mình

đánh em ngã lăn giữa lớp

 

Hôm vẽ Bác Hồ lòng em hồi hộp

thầy đứng bên em chẳng phút nào rời

thầy nhắc em Bác nhân đức yêu người

thầy sánh Bác với vua Hùng dựng nước

 

Em cố vẽ theo lời thầy

nhưng không sao vẽ được

tay chén chè tàu tay ly rượu Vốt-Ka

Bác Hồ của em trông gian ác, ranh ma

em lại bị thêm trận đòn tím bầm thân thể

 

Bản đồ nước Việt Nam

một hôm em đang vẽ

này biển, này sông, này rừng núi, ruộng vườn

này những thành phố quê hương

em đặt hết tâm hồn vào trang giấy nhỏ

 

Thầy đứng sau lưng

cầm cây cọ đỏ

bôi kín tấm bản đồ tổ quốc em yêu

đỏ biển, đỏ sông, đỏ những đê điều

đỏ phố, đỏ phường

đỏ hết cả núi rừng, nương rẫy

 

Em bỏ ngôi trường làng ra đi từ dạo ấy

lang thang như một khách giang hồ

Ôi! Nhớ làm sao những lần tập vẽ ngày xưa

Ồ! Giá trường em giờ có thầy giáo mới

 

Em sẽ chạy về ngay

không để lỡ một ngày, một buổi

ngồi vào hàng ghế ngày xưa

thầy đang dậy những câu hát mẹ ru

còn em háo hức, chờ đến giờ tập vẽ.

 

 

 

Bài 7:

 

 

 

                      BỜ VẪN QUÁ XA

 

 (Tặng bạn thơ Trịnh Anh Đạt và cô vợ người Hoa)

 

Trịnh Anh Đạt, một bạn thơ ở Đồ Sơn, Hải Phòng từng đoạt nhiều giải thưởng thơ giá trị ở Việt Nam, lúc sang Mỹ dự đám cưới con gái có điện thoại hỏi tôi “Chiến tranh đã khép lại hơn 30 năm mà sao người Việt hải ngoại vẫn còn nhiều ác cảm, vẫn đối đầu với những người Cộng Sản?”

 

 

Tôi, người lính Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù

năm 75, 29 tháng tư

khi đoàn tàu chở đơn vị tôi

chuẩn bị rời Vũng Tàu hướng ra Đông Hải

thương cha mẹ già, đàn em dại

tôi bước lên bờ

ở lại quê hương

 

Nhưng cha mẹ già chưa được gặp

cũng chưa thấy mặt đàn em

các anh những người chiến thắng

súng dí sau lưng

đẩy tôi vào trại tập trung

 

Rồi bằng những lời dối trá

trái tim vô tình

tia nhìn thù hận

các anh cướp mất của tôi

những tháng năm đẹp nhất cuộc đời

 

Tôi có người bạn

đói lòng moi mấy củ khoai

các anh đập nát xương bàn tay

mãi mãi mang thương tật

 

Một người khác

lâu ngày thèm thịt

chụp vội con nhái bên đường

bỏ vào mồm nuốt chửng

báng súng AK

các anh lao vào ngực, vào bụng

cho đến khi con nhái phòi ra

con nhái lúc vào màu xanh

lúc ra thành màu đỏ

 

Tôi trở về trên đôi nạng gỗ

nhìn nhà dột, cột lung lay

cha chết đọa đày

các em tứ tán

mẹ tuổi già sức yếu

vẫn giãi nắng dầm sương

tôi cắn răng lìa bỏ quê hương

tìm sự sống

 

Trở về thăm quê mấy lần

trên đường từ Nam ra Bắc

tôi cũng đôi khi nếm được

chút dư vị của chiến tranh

 

Tôi gặp cả thương binh

từ hai phía

kẻ chống nạng, người ngồi xe lăn

kẻ mất tay, người sẹo đầu, vẹo cổ

 

Họ buồn tủi

vì phải sống đời nghèo khổ

nhưng ít thấy ai lên tiếng oán hờn

với họ giữa chiến trường

“Chuyện thường tình mũi tên hòn đạn.”

 

Ở Mỹ

tôi quen hai vợ chồng người Hoa

vợ cô giáo, chồng luật sư

yêu nhau tha thiết

 

Nhưng định mệnh trớ trêu, oan nghiệt

cô vợ bị hiếp dâm

ít lâu sau đẻ thằng con

đen như cột nhà cháy

 

Anh chồng ôm mặt khóc như điên như dại

chạy ra khỏi phòng sanh

vợ tay nắm chặt thành giường

ngất lịm

 

Trở về nhà

cô vợ trẻ người Hoa

đã có thể gạt nước mắt cho đi đứa con khác màu da

để mỗi ngày người chồng

khỏi thấy vết thương lòng

bị chà đi xát lại

 

Nhưng các bạn tôi

làm sao có thể chặt bỏ bàn tay của mình?

làm sao có thể cắt bỏ lá phổi của mình?

nên mỗi lúc trở trời đau đớn

lại nhớ đến các anh

 

Không giống những thương binh

(mũi tên hòn đạn vô tình)

các bạn tôi mang thương tật

bởi đôi tay độc ác

bởi trái tim độc ác

của các anh

 

Sau chiến tranh

đối xử với những người ở bên kia chiến tuyến

nhưng cùng tiếng nói, màu da

biết bao phương cách đưa ra

các anh chọn phương cách tàn độc nhất

 

Các anh đã tự đào dòng sông ngăn cách

nay lại ngồi chễm chệ trên bờ

í ới vẫy chúng tôi qua

tiếc rằng…… bờ vẫn… quá xa.

 

Viết xong tháng chạp năm Canh Dần (tháng 1 năm 2011)

 

Phạm Đức Nhì

 

 

Bài 8:

 

 

                MỘT CHÚT TÂM TÌNH

 

 

Lời Nói Đầu:

 

Một người bạn chuyển cho tôi bản tóm tắt bài nói chuyện của Tiến Sĩ Nguyễn Văn Lương. Sau đó lại thấy rất nhiều người trên nhiều diễn đàn khác nhau phụ họa. Bèn viết bài thơ cho đỡ ngứa ngáy.

 

Phạm Đức Nhì

 

Ngày 30-4-2012, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lương, chuyên gia kinh tế tài chánh tị nạn 1975 tại Hoa Kỳ đã phát biểu và thảo luận về chiến dịch ngừng du lịch Việt Nam, ngừng gửi đô-la Mỹ về Việt Nam (hay còn gọi là chiến dịch xiết kiều hối) trên mạng PALTALK nhân dịp tưởng niệm ngày Quốc Hận 30-4. Bài phát biểu được tóm tắt thành 7 điểm:

 

1/ Đồng bào hải ngoại tị nạn không du lịch Việt Nam

 

2/ Dừng việc gửi tiền kiều hối quá mức về Việt Nam (chỉ gửi hạn chế không quá $50/tháng)

 

3) Tẩy chay hàng hóa nhập cảng từ Việt Nam

 

4) Không ủng hộ, quyên góp cho các tổ chức tôn giáo, từ thiện, danh nghĩa tại Việt Nam

 

5) Vận động chính phủ quốc gia nơi đồng bào cư trú ban hành đạo luật cấm gửi tiền và du lịch Việt Nam

 

6) Du lịch và gửi đô-la Mỹ về Việt Nam là PHẢN QUỐC!

 

7) Du lịch và gửi đô-la Mỹ là nuôi chế độ VC sống lâu thêm!

 

 

 

“Con ơi!

Đây là cây vàng

nhà mình có bốn chỉ

sáu chỉ kia mượn của bà con

lạy trời chuyến này con đi trót lọt

qua đó gắng đi làm

gởi tiền về trả nợ nghe con”

 

Đó là hậu cảnh vượt biên

không đủ vàng, không đủ tiền

nên nhiều gia đình

phải chấp nhận hy sinh

người đi kẻ ở

 

Với những người tù cải tạo

may mắn sống sót trở về

bị công an quản chế khắt khe

sống những tháng ngày khó khăn, thiếu thốn

khi được chương trình HO phỏng vấn

rồi lúc vui mừng bước lên phi cơ

“miếng khi đói, gói khi no”

không khỏi bâng khuâng

nghĩ đến ân nghĩa

của bao người đã ra tay giúp đỡ

 

Có thể nói

hầu hết người Việt Nam

đang sống tự do nơi hải ngoại

đều ít nhiều mắc nợ người ở lại

món nợ ân tình

 

Tôi cũng từng ngồi trên thuyền lênh đênh

giữa mênh mông biển cả

phía trước, chưa thấy đâu bờ bến

sau lưng, tiếng rên siết của quê hương

và gánh nặng gia đình

 

Khi được nước Mỹ tạm dung

dù lòng háo hức

không dám mon men đến cổng trường đại học

bởi nơi quê nhà

còn bà mẹ già

và một lũ em

từng giờ từng phút ngóng tin

 

Thế rồi lúc trên bờ, khi xuống biển

những công việc nặng nhọc, nguy hiểm

Mỹ đen le lưỡi

Mỹ trắng lắc đầu

tôi vẫn liều lĩnh xông vào

 

Hai vợ chồng sớm chiều lam lũ

mặc quần áo Goodwill (1), đi xe cũ

tháng tháng tằn tiện chắt chiu

khi có được ít nhiều

gởi về Việt Nam “trả nợ”

 

Tôi đã góp sức xây được ngôi nhà thờ tổ

chu cấp để các em phụng dưỡng mẹ già

đến khi mẹ thất lộc đi xa

mồ yên mả đẹp

 

Rồi trong gia đình khi cười, lúc khóc

cũng anh Việt Kiều

lặng lẽ mở hầu bao

mấy đứa em năm nào

lội suối băng rừng nuôi anh cải tạo

giờ thỉnh thoảng kể lại chuyện xưa (nhắc khéo)

xin anh chút vốn làm ăn

 

Và còn biết bao chuyện trách nhiệm, nghĩa ân

không thể làm ngơ, từ chối

 

Bỗng đọc lời các anh kêu gọi

lòng thấy hoang mang

cứ ngỡ mình đọc nhầm

“Đừng gởi tiền về Việt Nam.

Gởi tiền về Việt Nam là phản quốc.”

 

Các anh nói chắc như đinh đóng cột

"Xiết Chặt Kiều Hối

chế độ cộng sản sẽ tiêu tan"

nhưng nhìn kỹ Bắc Hàn

tôi thấy hình như không phải vậy

 

Hơn 60 năm nghèo đói

khoai sắn cũng không đủ ăn

hạn hán lụt lội mỗi năm

phải ngửa tay nhận gạo, bột mì của Liên Hiệp Quốc

phố phường lụp xụp

đường sá sơ sài

chính phủ lại làm oai

thắt lưng buộc bụng để chế bom nguyên tử

 

Hết cấm vận lại phong tỏa

dân đen như lũ nô lệ khốn cùng

nhưng chế độ vẫn vững như thành đồng

không lay chuyển

 

Không phải vì Bắc Hàn không có người quả cảm

cũng không phải người Bắc Hàn không thích dân chủ, nhân quyền

 

Nhưng ở cái xứ mà mỗi tấm bánh, mỗi chén cơm

đều được đong đếm và phân chia vô cùng nghiêm ngặt

một lời bình phẩm chân thật

một thái độ bất mãn vô tình

đủ để bị bớt phần ăn

cũng có nghĩa là sắp mất luôn cuộc sống

 

Nếu “cấu kết”, “âm mưu”, “bạo động”

không những mất mạng mình

mà còn khốn khổ dòng họ, gia đình

 

Cho nên những người bất đồng chính kiến

thường phải ngậm miệng

hoặc chết cô đơn lặng lẽ trong các trại giam

 

Kinh tế Việt Nam

những người còn nặng lòng với quê hương

nghĩ đến đều rất buồn

bởi nó què quặt và yếu kém

 

Nhưng so sánh với Bắc Hàn cộng sản

dân Việt còn đỡ khổ hơn

chẳng phải  do được chính quyền cộng sản xót thương

mà là nhờ đám Việt kiều

và tiền đô của họ

 

Hàng tỷ đô la mỗi năm

lưu chuyển qua các cửa hàng, các chợ

hàng hóa, dịch vụ đến tay cả mấy chục triệu người

kinh tế thị trường lên ngôi

chế độ tem phiếu đã không còn chỗ đứng

mất sổ gạo không còn là nỗi lo thót bụng

cứ có tiền gạo sẽ được chở đến tận nhà

 

Anh công an khu vực

vẫn đôi mắt diều hâu rình mò

nhưng móng vuốt không còn sắc bén

như những năm trước đó

 

Nhiều người đã vượt qua nỗi sợ

cất lên tiếng nói lương tri

Cù Huy Hà Vũ, Blogger Điếu Cày, Lê Thị Công Nhân, Huỳnh Thục Vy

rồi tiếng súng Đoàn Văn Vươn

làm rúng động bọn cường quyền cướp đất

 

Dĩ nhiên trong mỗi người họ đều đã có tinh thần bất khuất

dòng máu anh hùng

của Bà Triệu, Bà Trưng

của Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Lợi

nhưng cái môi trường xã hội

do dòng kiều hối tạo ra

(dù họ có thể không trực tiếp nhận đô la)

đã cho họ thêm niềm tin và lòng can đảm

 

Cũng như các anh, tôi chẳng có tý nào thiện cảm

nhìn những Việt kiều huênh hoang

về Việt Nam

chỉ để khoe của, trai gái và bốc phét

 

Và như các anh, tôi cũng điên tiết

nhìn họ ôm tiền về đầu tư

để rồi bị lừa

vừa mất của

vừa mang tội tiếp tay cho kẻ ác

 

Nhưng còn biết bao người khác

có tội tình gì?

chẳng lẽ một người lỗi lầm là “tam tộc tru di”?

có vài con sâu là phải chặt cả vườn cây ăn trái?

 

Có thể ngày xưa các anh có chức có quyền

nên khi đất nước ngả nghiêng

gia đình được ưu tiên

di tản

 

Cũng có thể các anh may mắn

có người quen, người thân

trong hải quân, không quân

nên những ngày cuối tháng tư

gia đình được tàu thủy phi cơ

đưa ra hạm đội

 

Giờ đây ông bà, cha mẹ, vợ con các anh

đang xênh xang trên vùng đất mới

chùm khế ngọt ngày xưa,

với các anh, nay bỗng nhạt phèo

 

Quen sống xa hoa

các anh đã quên đại đa số dân Việt vẫn rất nghèo

không phải vì thiếu khả năng

cũng không phải vì lười biếng

mà vì phải sống dưới chế độ độc tài, độc đảng

tham nhũng bất công

 

Dốt nát ngu si nhưng được đảng chống lưng

cũng quyền cao chức trọng

thông minh tài trí mà không quỳ dưới lá cờ búa liềm

cầm tấm thẻ đảng viên

cũng chỉ là “phó thường dân Nam bộ”

 

Dây mơ rễ má đến chế độ cũ

như gia đình chúng tôi

sẽ buôn thúng bán bưng

làm rẫy làm ruộng suốt đời

 

Bởi thế ở Mỹ chúng tôi bán mồ hôi

cần cù tay chân xốc vác

cố gắng để vợ con đủ ăn, đủ mặc

và có chút tiền để dành

thỉnh thoảng gởi về gia đình

cứu đói

 

Thôi thì mặc kệ các anh chửi bới

chúng tôi cứ cư xử thuận lẽ trời

mình đang sống kiếp người

đâu nỡ để thân nhân sống đời súc vật

 

Lúc này bà mẹ vợ của tôi

mỗi khi trái nắng trở trời

miệng già nuốt cơm không vô

có thể cầm ly sữa En- sua (Ensure)

nhấm nháp cho đời bớt khổ

 

Năm ngoái thằng cháu sưng ruột phải mổ

chưa có tiền dúi vào tay bác sĩ, y tá

tới bệnh viện, ôm bụng nằm ngoài hành lang

nếu không có cú điện thoại khẩn cấp gọi sang

và nếu tiền đô về không kịp

chắc giờ này

nó đã nằm yên dưới ba tấc đất

 

Biết bao cô gái

đang tuổi hoa niên thơ dại

gia đình bị dồn đến chân tường

phải cầm nhà, bán vườn

đút lót cho chính quyền cộng sản

để được trần truồng đứng xếp hàng

cho đám đàn ông ngoại quốc

xăm xoi tìm mua

như mua một mớ cá, mớ tôm

 

Có cô lọt vào tay một gã Đài Loan

gia đình “tam đại đồng đường”

cha con ông cháu ở chung một nhà

nó mua cô về

không phải để làm vợ

mà là làm đầy tớ

và làm đĩ

 

Quần quật suốt ngày không nghỉ

đêm đến thân gái ngọc ngà

lại chịu ba đời chúng nó dày vò

hết ông, con rồi đến cha

 

Nếu không có những đồng đô la

chúng tôi làm đổ mồ hôi, sôi nước mắt

gởi về

con cháu chúng tôi chắc phải cầm nhà

bán vườn

đút lót bọn cầm quyền

để trần truồng đứng xếp hàng

cho đảng cộng sản Việt Nam

gởi ra nước ngoài làm …đĩ

………

 

Bây giờ gởi tiền về Việt Nam

mỗi trăm đô chỉ tốn hai đô cước phí

nhưng nếu đạo luật mà các anh đề nghị

được chấp thuận và ban hành

tiền chúng tôi sẽ phải lén lút chạy loanh quanh

trước khi về nước

 

Có thể dân Thái Lan, Kăm Pu Chia,

Hồng Kông, Trung Quốc

sẽ đứng trung gian chuyển ngân

sẽ tự ý ấn định mức hoa hồng

20, 50, 100 phần trăm

hoặc nhiều hơn nữa

 

Lúc ấy hàng triệu cơn thịnh nộ

sẽ đổ lên đầu các anh

dù tóc bạc trắng hay mới hoa râm

mặc áo vest

thắt cà-vạt

bảng tên trước ngực, bằng nọ cấp kia

người ta sẽ chẳng ngại ngùng gì

mà không ném vào mặt các anh

cà chua trứng thối

 

 

Tôi không thích làm thơ

“cho phải đạo”

lúc hoan hô, khi đả đảo

tiếng vui, tiếng buồn

lời ghét, lời thương

thay vì gõ cửa trái tim

lại dõi mắt đi tìm

cái nheo mắt, cái gật đầu

của những tai to mặt lớn

 

Tính tôi cà chớn

nên thường có những câu thơ gàn bướng dở hơi

nếu lỡ làm các anh không vui

xin mở lòng đại lượng

 

Nhớ thuở còn chiến chinh

nếu không may ngã xuống hy sinh

ngoài vòng đai chi khu Đại Lộc

hay trên đường tiến quân lên Thường Đức

tôi, người lính nhảy dù Lữ Đoàn 1

nhắm mắt xuôi tay vẫn mỉm cười

vì đã dâng hiến đời trai

bảo vệ lá cờ vàng ba sọc đỏ

bảo vệ miền nam tự do

có ngôi nhà xinh xinh nho nhỏ

ở Hốc Môn

mái ấm của những người tôi quý tôi thương

 

Bây giờ các anh nhìn xa trông rộng

soạn sách lược đấu tranh

hãy chỉ rõ mục tiêu

những người lính chúng tôi sẽ bắn

bắn thẳng vào đầu những tên trùm cộng sản

nhưng đừng bắt chúng tôi chĩa súng về phía cha mẹ anh em mình

“mỗi người một chút hy sinh”

hy sinh kiểu đó…

công cuộc chống cộng sẽ đâu còn ý nghĩa

 

 Các anh hô hào

“Đừng về Việt Nam! Về Việt Nam là phản quốc!”

“Đừng gởi tiền về Việt Nam! Gởi tiền về Việt Nam là phản quốc!”

nghe lời các anh

chúng tôi không những bất hiếu, bất nhân

mà còn vong ân bội nghĩa

 

Chúng tôi có phản quốc hay không?

lịch sử sẽ làm sáng tỏ

giữa thời buổi nhiễu nhương, luân lý suy đồi

chúng tôi chỉ cố sống sao cho xứng đáng con người

 

Các anh đòi

"Vận động để đạo luật cấm gửi tiền và du lịch Việt Nam

được ban hành"

 

Ôi! Nếu quả thật đất nước mình

đã đến hồi mạt vận

đề nghị của các anh được chấp thuận

đường phố Việt Nam

sẽ sạch bóng Việt kiều

sẽ không còn những khuôn mặt tự đắc hiu hiu

áo gấm về làng

vung tiền đô mua của lạ

 

Nhưng cũng không còn những đứa con

thương cha mến mẹ

những người em, người chị, người anh

ăn ở có nghĩa, có tình

 

Những đám giỗ, đám ma, đám cưới

vắng những giọt nước mắt mừng mừng, tủi tủi

bà con dòng họ đoàn viên

người đi kẻ ở sẽ như Chức Nữ Ngưu Lang

suốt đời chia cách

bởi các anh đã phá sập cầu Ô Thước

 

Các anh có xem tấm hình hai anh em người Hàn Quốc?

hơn 50 năm kẻ Bắc người Nam

gặp nhau nước mắt tuôn trào

rồi chia tay nghẹn ngào

đau thương xé ruột

 

Nếu một mai cũng cảnh ấy

nhưng là hai người Việt

mặt mũi các anh sẽ để đâu?

con Lạc cháu Hồng sẽ nghìn đời sau

nguyền rủa

 

Khi đọc tin những người dân miền Bắc

nghe lời đảng đấu tranh giai cấp

đem cả cha mẹ, anh chị em mình

ra đấu tố

bà mẹ Củ Chi

đã “giết chết lời ru”

bóp mũi đứa con thơ

vì nó dại khờ lên tiếng khóc

dưới hầm bí mật.

và nghe ông Hồ Chí Minh

“Nếu cần phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn…”

các anh chép miệng

“Bọn họ có lý tưởng

nhưng thiếu một trái tim.”

 

Nếu quả thật gia đình, họ hàng các anh

không còn ai ở Việt Nam

hoặc lắm bạc nhiều vàng

không cần tiếp tế

thì các anh hơi giống mấy tay cò mồi gian trá

hô hào mọi người hy sinh

cắt tình máu mủ ruột thịt của mình

trong khi chính các anh

hy sinh mấy giọt nước miếng

 

Nếu các anh thật còn họ hàng thân quyến

nghèo khổ ở Việt Nam

mà vẫn can đảm, dõng dạc, đàng hoàng

đọc bản tuyên bố

thì với các anh

chúng tôi vừa nể phục nhưng cũng vừa ghê sợ

 

Các anh chê “họ thiếu một trái tim”

còn các anh tuy có tim

nhưng xơ cứng

nên thiếu lòng nhân ái

 

Một thời hết mình chống cộng

tôi biết cái thiên đường

mà những người cộng sản cố công tạo lập

chỉ là địa ngục

không có chỗ cho phẩm giá của con người

 

Đọc lời kêu gọi của các anh

tôi bỗng nực cười

các anh chống cộng sản

nhưng không khéo chính các anh đang trở thành người cộng sản

 

Chế độ cộng sản

độc đảng, độc tài

đẻ ra thối nát bất công

đẩy người dân đến bước đường cùng

muốn sống còn, phải mánh mung

chữ dối, chữ gian hằn trên khuôn mặt

mỗi hành động phải tính toan, lường gạt

và phải quên đi

mình cũng có một linh hồn

 

Đáng sợ và đáng buồn

không phải tại có quá nhiều người phạm tội

mà vì những người tạo ra tội lỗi

lại rất thản nhiên vui vẻ tươi cười

“Cơ chế mình nó thế!”

“Chế độ mình nó thế!”

 

Riêng tôi

mười mấy năm bị hành hạ đọa đày

cha chết tủi hờn

đàn em mất hết tương lai

gia đình tan nát

 

Đã đôi lúc đau thương chất ngất

muốn “đạp lên xác Lê Duẩn, Trường Chinh”

muốn “về giữa Ba Đình

bằm thi thể Hồ Chí Minh bắn ra đông hải” (2)

 

Giờ đây

phương thuốc thời gian đã giúp lòng dịu lại

mắt tôi không còn như ngày xưa

rực lửa căm thù

nhưng di hại của chế độ công sản trên quê hương

làm sao tôi quên được?

 

Tôi biết các anh cũng nặng lòng với nòi giống Việt

muốn mau mau thay đổi màu cờ

để làn gió dân chủ tự do

thổi mát những khuôn mặt

đang cằn khô héo úa

 

Nhưng vì nôn nóng các anh sơ hở

phương sách của các anh

lý chưa đủ thuyết phục

lại thiếu hẳn một chữ tình

thấy bất bình

nên có vài lời tâm sự

 

Giờ này nhiều người Việt Nam đang mơ

các sĩ phu yêu nước

mơ thấy quân Tàu dừng bước xâm lăng

trước quân dân ta trên dưới một lòng

hừng hực khí thế Hội Nghị Diên Hồng

nơi biên ải

 

Những cô gái tuổi xuân phơi phới

vì hiếu nghĩa với gia đình

đang dự định bóp nát trái tim

chít khăn tang cho mối tình đầu thơ mộng

bán mình đến một phương trời xa thẳm

như Thúy Kiều

mơ thấy đang nằm trong vòng tay người yêu

ngập tràn hạnh phúc

 

Những nhà thơ, nhà văn

xưa muốn yên than nên biết hèn, biết sợ (3)

lấm lét nhìn lưỡi dao lơ lửng trên đầu

bóp chết lòng tự hào

âm thầm nuốt nhục

bởi mỗi câu thơ, câu văn đâu còn là nhịp đập

của trái tim

mơ thấy mình như những cánh chim

cầm bút bay cao giữa trời lộng gió

……….

 

Tôi cũng đang thả hồn vào một giấc mơ

mơ thấy mình đang ngủ say sưa

dưới gốc dừa

bên bờ một dòng sông quê hương

tỉnh dậy thấy làng xóm, phố phường

không còn nữa bóng dáng lá cờ đỏ sao vàng

người đi kẻ lại nói cười vui vẻ

mặt mày rạng rỡ

trong nắng sáng chan hòa

dường như mỗi người đều đã có ít nhất một ước mơ

thành hiện thực

 

 

Chú Thích:

 

(1) Cửa hàng bán quần áo cũ

(2) Thơ Phạm Đức Nhì

(3) Ý của nhà văn Nguyễn Tuân

 

Viết xong tháng 10 năm 2012 tại San Leon, Texas.

 

Phạm Đức Nhì

 

 

Bài 9:

 

 

                 YÊU THƠ NÊN PHẢI HẾT LÒNG VỚI THƠ

 

Đọc xong Một Chút Tâm Tình khá đông bạn bè và độc giả đã gởi đến tôi những lời bình phẩm. Đồng tình cũng nhiều mà chỉ trích cũng không ít. Một vị (lớn tuổi, có uy tín) đã trách tôi “không còn cái tinh thần của người lính, nghe hiệu lệnh là cùng đồng đội xung phong chiếm lĩnh mục tiêu.” Một người khác cho rằng bài thơ của tôi đã “lạc giọng, lỗi nhịp với giàn đồng ca của người Việt hải ngoại.”

 

Biết trả lời sao bây giờ? Bèn viết bài thơ.

 

 

Có một thời bị đọa đày hành hạ

thơ của tôi rực lửa căm thù

máu và nước mắt

ướt đẫm những trang thơ

nực mùi tử khí

 

Thơ cũng đậm màu chính trị

màu này thật dễ thương

còn màu đó…

thấy mà ghê!

 

Ôi! Đẹp quá phe mình

còn phe bên kia

phải chọn góc nhìn để chỉ thấy toàn điều xấu

mỗi câu thơ một bài ca chiến đấu

một viên đạn đồng đen

bắn vào chế độ cộng sản bạo tàn

tôi bỗng thành người lính hiên ngang cầm bút

 

Nhiều lúc nhìn cảnh đời

dạt dào cảm xúc

bật ra mấy vần thơ

bạn bè nghe qua đầu lắc, tay xua

“không hợp với trào lưu của người Việt hải ngoại”

 

Thỉnh thoảng xem lại một số thơ mình

thơ bạn bè đồng đội

rất lý tưởng, vững lập trường

có kỷ cương

kẻ trước dẫn dắt người sau

riêng hồn thơ thì chẳng thấy đâu

 

Tôi lao vào đọc

mới đầu là những bài thơ tuyệt tác

tìm hiểu thêm kỹ thuật thơ ca

và rồi hầu như tất cả những gì về thơ

từ Âu Á Tây Tầu Anh Mỹ

các trang web văn chương Talawas, Da Màu, Tiền Vệ

ôn cố tri tân

tạo cho thơ mình một vóc dáng riêng

nhưng người lính trong tôi quá đỗi kiên cường!

nên tôi vẫn “được” đứng chung hàng

với rất đông nhà thơ – chiến sĩ

 

Một hôm cao hứng

tình quê hương đất nước dâng tràn

nghĩ đến những thôn xóm, phố phường

có tên gọi Việt Nam

đến mẹ già, đàn em

bà con, bạn bè thân thiết

đến những người chưa quen biết

và cả những người đã chết từ lâu

 

Niềm thương cảm

từ trong từng thớ thịt, mỗi tế bào

chảy ào trên trang giấy

 

Nhưng chính ngay giây phút ấy

gió bão nổi lên, cát bụi mịt mù

và trong cái không khí rờn rợn âm u

xuất hiện một chàng trai trẻ tuổi

quân phục bạc màu

mặt buồn rười rượi

lấy cả thân người

che khuất bài thơ đang viết dở của tôi

 

Khi con chữ vẫn cứ hàng hàng lớp lớp

bay về tới tấp

như sóng biển dồn dập

khiến tôi trong cơn say, cơn điên

vung bút đâm phập vào trái tim

người lính

 

 

Tôi đang sống trên nước Mỹ

đất nước tự do

làm thơ

không phải lấm lét nhìn trước, ngó sau

nỗi lo sợ theo vào

cả trong giấc ngủ

giật thót mình nghe tiếng chó sủa

ban đêm

 

Nhưng sao trước mặt vẫn chập chờn

những bóng ma quá khứ

ánh mắt van lơn, bàn tay níu giữ

khiến đã biết bao lần

dòng thơ đang băng băng tuôn chảy

phải khựng lại

luồn lách qua hướng khác

 

…………

 

Để có thể hết lòng hết dạ

trọn tình trọn nghĩa

với nàng thơ

tôi tay cầm bút viết, tay nắm dao quơ

đuổi, giết bằng sạch những hồn ma, bóng quỷ

(truyền thống, khuôn phép lễ giáo, thước đo giá trị

của người đời)

 

Trên trang thơ của mình

tôi chỉ trung thành

với nhịp đập của chính trái tim tôi.

 

Phạm Đức Nhì

 

San Leon cuối tháng 1 năm 2013

 

 

Bài 10:

 

 

     BỆNH NAN Y

 

 

Khám tổng quát cho nhân viên một công ty

bác sĩ thấy hầu hết mắc một chứng bệnh lạ kỳ

bệnh Teo Hòn Dái

 

Người bệnh ăn ngủ, ỉa đái

vẫn bình thường

không nhiễm trùng, không sốt, không nhức xương

không đau bắp thịt

đi đứng nằm ngồi cũng giống như bao người khác

 

Chỉ trong lúc làm ra và giới thiệu sản phẩm

mặt tái xanh

tim đập nhanh

mắt nhìn quanh lấm lét

lúc ấy hòn dái teo đét

chỉ bằng hạt tiêu

trên người

mồ hôi vã ra như tắm

 

Công ty ấy

không sản xuất hàng công nghệ

không kinh doanh hàng ăn

mà chỉ làm ra tượng, tranh

và nhiều mặt hàng liên quan đến chữ viết

Đó chính là Hội Nhà Văn

Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

 

Trên đường giao lưu thơ văn

gặp các cây bút từ Hội Nhà Văn Việt Nam

các bạn tôi

bắt tay bác này khen chữ dùng sang cả

vỗ vai anh kia khen tứ hay ý lạ

có sáng kiến làm mới thể thơ

 

Riêng tôi gặp họ

chỉ thích nắn sờ hai hòn dái

 

Phạm Đức Nhì

 

Chú Thích:

 

Bài thơ này ra đời nhờ đọc được Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất của Nguyễn Khải.

 

Ông Nguyễn Khải "đánh mất cái tôi" vì hèn, vì mắc chứng bệnh "teo hòn dái", Hơn nữa ông đã Phạm Tội Ác - vì miếng cơm manh áo, vì uy tín cá nhân, đưa ngòi bút của mình quá đà, làm hại người khác. Nếu những người cầm bút ở VN tiếp tục hèn như Nguyễn Khải thì chúng ta còn phải đọc tâm sự "Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất" dài dài nhưng ở những dạng khác, dưới những cái tên khác.